GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với chủ trương Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc, các tổ chức Phật giáo của Việt Nam trước đây đã nỗ lực thống nhất Phật giáo 5 lần. Mỗi lần thống nhất Phật giáo, dù ở phạm vi một miền hay ở phạm vi quốc gia, đều có chung mục đích hướng đến là xây dựng Phật giáo toàn quốc vững mạnh. GHPGVN thành lập năm 1981 và phát triển toàn diện như ngày hôm nay chính là thành quả tất yếu của tiến trình lịch sử đó.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất vào ngày 30/4/1975, một lần nữa nhu cầu thống nhất Phật giáo toàn quốc được đặt ra. Sau 9 lần vận động, Ban vận động thống nhất Phật giáo được thành lập với sự tham gia của 9 tổ chức và Giáo hội Phật giáo.
Từ ngày 4-7/11/1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 165 đại biểu thuộc 9 tổ chức và Giáo hội khác nhau, đã chính thức đi đến thống nhất thành lập một tổ chức Phật giáo duy nhất với tên gọi “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Phần lớn các bậc tôn túc có công sáng lập Giáo hội đã viên tịch.
09 Giáo hội thành lập nên GHPGVN gồm có:
(i) Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam;
(ii) Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất;
(iii) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam;
(iv) Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh;
(v) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam;
(vi) Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán;
(vii) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam;
(viii) Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ; và
(ix) Hội Phật học Nam Việt.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh gồm có 96 vị Trưởng lão Hòa thượng, do Đức trưởng lão Thích Phổ Tuệ làm Pháp chủ, lãnh đạo tinh thần và Hội đồng Trị sự gồm 270 thành viên, do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn làm chủ tịch, điều hành toàn bộ hoạt động hành chính và quản trị Giáo hội.
Theo Hiến chương, Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội đồng Chứng minh suy cử Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chứng minh giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc; giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Hội đồng Chứng minh của Giáo hội gồm chư vị Hòa thượng tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; có ít nhất 70 tuổi đời và 50 tuổi đạo; được Ban Thường trực Hội đồng Chứng
Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động giữa hai nhiệm kỳ. Hội đồng Trị Sự là cơ quan duy nhất giữ quyền phát ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có trách nhiệm về nội dung phát ngôn do các cơ quan, cá nhân trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện; quản lý hoạt động thông tin truyền thông có liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các tổ chức, cá nhân phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và các thành viên.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 13 Ban trung ương, phụ trách các lãnh vực chuyên môn và 63 Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và hàng trăm Ban Trị sự GHPGVN cấp quận huyện nhằm điều hành các hoạt động Phật sự theo phong cách thống nhất chủ trương và hành động.
GHPGVN hiện có 18,466 ngôi chùa (trong đó 15,846 chùa Bắc tông, 454 chùa Nam tông Khmer, 106 chùa Nam tông Việt) và 53,941 Tăng Ni (trong đó 38,629 chùa Bắc tông, 8,574 chùa Khmer, 1754 chùa Nam tông Việt và 4984 chùa Khất sĩ). Về giáo dục, GHPVN có 36 trường Trung cấp Phật học, 9 trường Cao đẳng Phật học và 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, đào tạo từ Cử nhân đến Tiến sĩ Phật học.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua 37 năm thành lập và phát triển và đồng hành cùng dân tộc, với tinh thần đoàn kết hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đúng đắn mà GHPGVN đã đề ra trong Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các pháp môn tu học theo truyền thống Hệ phái vẫn được tiếp tục duy trì.
Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo pháp và nhân sinh của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế và phát triển đất nước Việt Nam.