NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC
Ngày Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một lễ hội quốc tế mang tính nhân văn và văn hóa của Ủy ban tổ chức quốc tế Liên Hiệp Quốc. Quá trình thành lập của lễ kỷ niệm này bắt đầu vào năm 2000.
Vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại hội nghị lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận về chương trình nghị sự mục 174 của chương trình, Đại hội đã chính thức công nhận và thừa nhận lễ kỷ niệm ngày Vesak (lễ tam hợp: ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật, thời gian tương đương là ngày Trăng tròn của tháng Năm Âm lịch). Ngày này được gọi là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc nhằm chào mừng lễ hội văn hóa Phật giáo lớn nhất hàng năm. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc (thành phố New York, Mỹ) và các Văn phòng khu vực của nó toàn thế giới từ năm 2000 trở đi.
Vào năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, với đại diện từ nhiều truyền thống Phật giáo tại 34 quốc gia.
Ý NGHĨA TÂM LINH
Thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của hơn 800 phái đoàn Phật giáo thế giới đến từ 90-100 quốc gia; đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hoà bình, an lạc và hữu nghị.
Ý NGHĨA KINH TẾ
Đại lễ Vesak 2019 sẽ một lần nữa góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak LHQ 2019.
Ý NGHĨA ĐẠO ĐỨC
Trong thời đại mà nền kinh tế, khoa học và kỹ thuật phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thì áp lực về vật chất ngày càng gia tăng đè nặng lên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Do đó, con người có nhu cầu tìm về những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, đạo đức phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bồi đắp đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người.
Ý NGHĨA HỌC THUẬT
Gắn liền với chủ trương của Liên Hợp Quốc và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới và tuyên bố Hà Nội là sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào các giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.
Ý NGHĨA NGOẠI GIAO
Tạo hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp, đoàn kết và phát triển.
Qua đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới, tăng cường thiết lập bang giao và hữu nghị với tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời cũng thể hiện sự gánh vác, vai trò của Việt Nam với việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực.
Ý NGHĨA VĂN HOÁ
Tưởng niệm Đại lễ Vesak LHQ là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hoá, tạo sự giao lưu, học hỏi các tinh hoa văn hoá các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.