Báo cáo tổng kết đại lễ Phật đản HLQ lần thứ 16

BÁO CÁO TỔNG KẾT

ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN HLQ LẦN THỨ 16,

Tại Chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Việt Nam, ngày 14-5-2019

TT. Thích Nhật Từ

Phó Tổng thư ký Đại lễ Vesak LHQ 2019

I. DẪN NHẬP

Ngày 15 tháng 12 năm 1999, các đại biểu đại diện 34 quốc gia đã kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận ngày trăng tròn tháng 4 AL là ngày Lễ tam hợp LHQ (United Nations Day of Vesak) tại trụ sở chính và các văn phòng khu vực của tổ chức này. Đại Hội đồng LHQ đã đưa ra nghị quyết (theo điều 174, khoản 54 của chương trình nghị sự), theo đó, ngày Lễ tam hợp LHQ được tổ chức vào năm 2000 với sự hỗ trợ của các truyền thống Phật giáo.

Chiếu theo nghị quyết đó, chúng tôi, gồm các đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tập trung vào ngày 11-14/5/2019 (PL. 2563) tổ chức kỷ niệm ngày đức Phật Đản sanh, Giác ngộ và nhập Niết-bàn. Đây là lần thứ 3 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) hoan hỷ chào đón cộng đồng Phật giáo thế giới.

Trong 3 ngày qua, tại các sự kiện khác nhau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hân hoan đón chào các vị khách quý gồm có Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar, ông U Win Myint; Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ, ông M. Naidu; Thủ tướng Cộng hoà Dân chủ Nepal, ông K.P. Sharma Oli; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan, ông Tashi Dorji; Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, bà Armida Salsiah Alisjahbana; Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, hơn 25 Đại sứ và nhiều quan chức, chức sắc khác.

Về phía Chính phủ Việt Nam, Ban Tổ chức hân hạnh tiếp đón Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch MTTQVN Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, các vị Bộ trưởng, Bí thư và Chủ tịch 63 tỉnh thành, các vị nguyên là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đến tham dự và chúc mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019 trong các sự kiện khác nhau.

Đại lễ Vesak 2019 khởi đầu bằng tiệc chiêu đãi của chính phủ đối với các lãnh đạo Phật giáo thế giới và các nguyên thủ quốc gia do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đảm trách, được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội vào chiều ngày 11/5/2019.

II. PHẦN HỌC THUẬT

Chúng ta đang đối với diện với các thách thức trên thế giới, từ các xung đột vũ trang, sự suy thoái môi trường đến sự biến đổi về các mối quan hệ gia đình và xã hội, các bệnh tâm lý và các bất bình đẳng về xã hội và kinh tế. Các thách thức này thúc đẩy chúng ta hợp tác và thể hiện trách nhiệm nhằm giải quyết các vấn nạn toàn cầu trên nền tảng cùng chia sẻ trách nhiệm.

Trong bối cánh đó, cách nhìn Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và quản trị xã hội vì tương lai bền vững, đóng vai trò chủ đạo không chỉ giải quyết các vấn đề thế giới mà còn dẫn dắt thế giới đi trên chánh đạo của đức Phật, mang lại phúc lợi và an lạc cho nhân sinh.

Hội thảo quốc tế lần này đã tạo nên tuyển tập gồm 398 bài tham luận tiếng Anh và 100 bài tham luận tiếng Việt về chủ đề Vesak LHQ 2019 là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” (Buddhist Approach to Global Leadership and Shared Responsibilities for Sustainable Societies). Có 120 học giả nước ngoài trình bày tham luận trong 5 diễn đàn tiếng Anh vào ngày 13-5-2019, và trước đó 2 ngày, có 110 học giả Việt Nam thuyết trình tại 5 diễn đàn tiếng Việt diễn ra trong ngày 11-5 phản ánh các phương diện của chủ đề Vesak LHQ 2019.

Diễn đàn thứ nhất về “Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì hòa bình bền vững” (Mindful Leadership for Sustainable Peace) phân tích về những xung đột, xu thế và động lực ảnh hưởng đến sự phát triển thế giới quan trọng trong tương lai. Trong ánh sáng Phật pháp, hai nền tảng quan trọng được nêu ra là (i) tái thiết thời kỳ hoàng kim của đạo Phật trong thời điểm suy thoái là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng; và (ii) trách nhiệm của Phật giáo trong việc góp phần tạo dựng nền tảng mới cho lãnh đạo trong chánh niệm và sự phát triển bền vững.

Diễn đàn thứ hai về “Gia đình hài hòa, chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững” (Harmonious Families, Healthcare System and Sustainable Development) nghiên cứu các trường hợp liên quan đến gia đình, giáo dục, phục vụ y tế, nghèo đói và lãnh đạo. Diễn đàn này phác họa sự giao thoa giữa quan hệ của các gia đình đối với xã hội và mục đích đạt được phúc lợi xã hội.

Bằng cách nhấn mạnh về cách tiếp cận Phật giáo trong việc hiểu sâu sắc hơn về cách tạo ra các chính sách xã hội thích hợp, theo đó, khẳng định sự chuyển hóa là nền tảng của tương tác xã hội tích cực. Có hai nền tảng quan trọng là (i) Cách làm cho Phật giáo trở nên vĩ đại trở lại vào thời điểm xã hội bị phá vỡ, và (ii) Trách nhiệm của Phật giáo về việc góp phần tạo nên nền tảng mới cho gia đình hài hòa, chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững.

Diễn đàn thứ ba về “Cách tiếp cận của Phật giáo về Giáo dục đạo đức toàn cầu” (Buddhist Approach to Global Education in Ethics) khẳng định rằng giáo dục đạo đức được xem là trọng tâm của giáo dục Phật giáo. Giáo dục đạo đức Phật giáo bao gồm giáo dục nhân cách sống, giá trị sống, mục đích sống và lý tưởng sống cho con người, nhờ đó, con người sống hạnh phúc và vị tha hơn.

Chủ đề này khám phá tầm quan trọng của việc mỗi giáo viên cần thực tập chính niệm trong cách họ nói, nghe, giảng dạy các học trò, theo đó, họ có thể giảng dạy chính niệm hiệu quả hơn. Điều này thúc giục chúng ta ứng dụng giáo dục Phật giáo về đạo đức trên nền tảng thường xuyên, trong chương trình giáo dục chính quy nhằm nâng cao đầu ra của người học trong các thế hệ tương lai.

Diễn đàn thứ tư về “Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0” (Buddhism and the fourth Industrial Revolution) phân tích các mặt tích cực của thông minh nhân tạo, hệ thống máy tính, tự động hóa và rô-bốt. Ứng dụng những cải tiến công nghệ sẽ giúp quá trình sản xuất nhanh hơn, ít tốn nhân lực hơn và chất lượng sản phẩm được đảm bảo bằng việc kiểm soát vật liệu thô đến thành phẩm và chuyển đến người tiêu dùng.

Hạn chế của cách mạng công nghiệp 4.0 có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng thị trường lao động, những bất ổn về kinh tế, thậm chí trong chính trị. Công nghệ mới sẽ khiến thay đổi về quyền lực, các mối quan tâm an ninh và sự cách biệt lớn giữa giàu và nghèo. Những vấn nạn này đã thúc đẩy thế giới cố gắng nhanh chóng tìm ra những giải pháp Phật giáo thích hợp nhằm thành tựu sự phát triển bền vững.

Diễn đàn thứ năm về “Cách tiếp cận Phật giáo đối với việc tiêu dùng có trách nhiệm và phát triển bền vững” (Buddhist Approach to Responsible Consumption and Sustainable Development) chỉ ra sự khủng hoảng của chủ nghĩa tiêu thụ và trình bày quan điểm Phật giáo về sự tiêu thụ quá mức cũng như các hậu quả tiêu cực của nó.

Khuynh hướng của con người về tiêu thụ quá mức đã ảnh hưởng đến thiên nhiên và môi trường. Các nguyên lý Phật giáo kêu gọi chúng ta sống có trách nhiệm hơn và chính niệm hơn, đang khi cùng lúc khích lệ sự phát triển bền vững để dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.

Theo Phật giáo, tính trách nhiệm trong tiêu dùng đúng sẽ tạo cơ hội thực hành các đức tính chia sẻ, sự hài lòng và điều độ. Cách suy nghĩ và thực hành Phật giáo là đóng góp quan trọng trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh về mặt sinh thái. Tăng cường có tổ chức là một yêu cầu để chuyển hóa các giá trị văn hóa Phật giáo về việc tiêu thụ có trách nhiệm để đảm bảo sự phát triển bền vững.

III. PHẦN LỄ HỘI

Việc ca ngợi cuộc đời đức Phật sẽ không thể hoàn mãn nếu thiếu cơ hội trải nghiệm phong tục và tập quán thông qua lăng kính của nước chủ nhà và kinh nghiệm của các Tăng, Ni và Phật tử đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm thưởng lãm các nền văn hóa đa dạng. Phần lễ hội bao gồm các sự kiện trọng tâm như sau.

- Lễ tắm Phật với sự tham dự của hàng vạn Phật tử, được thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính, như là hành động thiết thực nhắc nhỡ chúng ta về sự cần thiết của việc gội rửa các bợn nhơ của thân và tâm, để từ đó, ta sống cuộc đời trong sáng, thanh cao và hạnh phúc.

- Lễ đàn cầu nguyện hòa bình thế giới do các đức Tăng thống, lãnh đạo Phật giáo thế giới, lãnh đạo GHPGVN chủ trì với sự tham dự của hơn 30,000 Phật tử toàn quốc.

- Lễ thắp nến cầu nguyện hoà bình thế giới do BTC Đại lễ Vesak LHQ 2019, các phái đoàn Phật giáo Quốc tế, chư tôn đức Tăng Ni và hàng vạn nhân dân Phật tử thập phương thực hiện.

- Diễu hành xe hoa dọc các giao lộ từ Thành phố Phủ Lý về Chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam nhằm chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019.

- Triển lãm Phật giáo Việt Nam và thế giới tại điện Tam thế, điện Pháp chủ, điện Quan Âm, gồm cổ vật, tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, đá nghệ thuật, cũng như tranh sơn dầu về các hang động Phật giáo Ấn Độ.

- Chương trình biểu diễn nghệ thuật quốc tế gồm 2 chương trình. Thứ nhất là “Vesak thiêng liêng” nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của đức Phật Thích Ca về sự thay đổi xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Thứ hai là chương trình “Đai lộ di sảnđưa ra cách tiếp cận mới về di sản, thông qua đó góp phần bảo vệ di sản và các giá trị văn hoá của các nước gồm Việt Nam, Ấn Độ, Tích Lan, Bhutan, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia...

- Hội chợ văn hóa Phật giáo gồm hàng trăm gian hàng với hàng ngàn sản phẩm văn hóa Phật giáo và thực phẩm chay Phật giáo rất đa dạng và phong phú, nhằm phục vụ cho hàng vạn du khách tham quan Chùa Tam Chúc mỗi ngày.

Khắp các quốc độ mà Phật giáo có cơ hội du nhập và tiếp tục truyền bá, có sự đồng hành và tiếp biến văn hóa, tạo ra tính thích ứng đặc thù. Phật giáo Việt Nam không khác với tính thích ứng của lời Phật dạy được ứng dụng tại Việt Nam như được thể hiện qua lễ hội văn hóa quốc tế này.

Thông qua dòng chảy lịch sử, từ các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần, Phật giáo được xem là quốc đạo của Việt Nam. Lời Phật dạy đã được ứng dụng trong đời sống thường nhật và đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành với đất nước, dân tộc Việt Nam và hướng dẫn quần chúng về mục đích chí thiện.

III. TÌNH HỮU NGHỊ

Trong các ngày diễn ra đại lễ Vesak LHQ, các đoàn đại biểu quốc tế cảm nhận sâu sắc sự mến khách, thân thiện của người dân Việt Nam. Đây là cơ hội quý báu để các đoàn đại biểu và khách mời thắt chặt tình hữu nghị với Việt Nam trong 3 ngày đại lễ.

Mỗi ngày, Ban Tổ chức cung cấp hơn 50,000 suất ăn miễn phí, 3 buổi mỗi ngày, cho hàng vạn Phật tử đến Chùa Tam Chúc. Có hơn 1100 Phật tử tình nguyện làm bếp, nấu cơm, phục vụ ăn uống với 100 món buffet chay. Cũng có những món chay theo phong cách Tây để đáp ứng khẩu vị của khách quốc tế. BTC bố trí trên 400 xe điện phục vụ liên tục 24/24 giờ trong các ngày diễn ra Đại lễ.

Xen kẽ những lúc nghỉ giải lao trong Đại lễ Vesak, các đại biểu đã tản bộ theo những hành lang của Chùa Tam Chúc, địa điểm được ví như Hạ Long trên cạn của Việt Nam.

Vào chiều 14-5 và trọn ngày 15-5-19, hơn 1000 đại biểu quốc tế được tham quan miễn phí các tour du lịch văn hóa gồm Di sản văn hóa thế giới Tràng An – Chùa Bái Đính, núi thiêng Yên Tử - vịnh Hạ Long, đỉnh Fansipan – Sapa nhằm thưởng lãm các cảnh sông núi hữu tình của Việt Nam, thúc đẩy tình cảm cao quý của đại biểu quốc tế đối với đất nước, con người và thiên nhiên Việt Nam.

VI. Kết luận

Trong 11 năm qua kể từ khi Việt Nam lần thứ nhất vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 đến nay 2019, Việt Nam đã vinh dự đăng cai sự kiện quốc tế này 3 lần, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển nhanh và mạnh. Giáo hội chúng tôi có kế hoạch hướng tới mục tiêu tổ chức đại lễ Vesak LHQ này thêm vài lần nữa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện công tác lớn lao để tổ chức sự kiện quốc tế trọng đại tại chùa Tam Chúc với cảnh quan kỳ thú, có ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và lịch sử.

Có nhiều thách thức trong việc sắp xếp nơi ở, phương tiện giao thông, phục vụ ẩm thực và an ninh công cộng cho Đại lễ Vesak LHQ 2019 lần thứ 16, nhưng đây chính là cơ hội để GHPGVN cho các khách mời và đại biểu quốc tế thấy được năng lực tốt nhất của Việt Nam. GHPGVN đã thực hiện một cách hoàn hảo, tổ chức đại lễ Vesak trọng thể và trang nghiêm để lại những kinh nghiệm quý báu cho quý vị quan khách, đại biểu quốc tế và trong nước. Sự hiếu khách, thân thiện và nhiệt tình của Việt Nam đã được thể hiện rõ nét và Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 đã kết thúc trong thành công tốt đẹp.

Hàng ngàn tình nguyện viên đã làm việc ngày đêm không mệt mỏi, góp phần tạo nên sự an toàn và thành công của đại lễ Vesak này. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không thừa nhận các phụng sự của họ đối với Vesak LHQ, Phật giáo, Tăng đoàn và nước Việt Nam, rộng hơn là cộng đồng thế giới. Sự đóng góp của các bạn góp phần tạo nên sự thành công của sự kiện lịch sử trọng đại này.

Đặc biệt là, đại lễ Vesak LHQ 2019 không thể thành tựu như sự trông đợi nếu không có sự hiện diện các vị nguyên thủ quốc gia, các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam, các khách quý, lãnh đạo các Giáo hội và Tổ chức Phật giáo trên thế giới, các học giả lỗi lạc và các đại biểu đến từ 112 quốc gia và hàng vạn Phật tử Việt Nam.

Chúng tôi kính mong tiếp tục đón tiếp các quý vị trở lại Việt Nam, với tư cách cá nhân, hay tư cách đại biểu tham dự đại lễ Vesak LHQ trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.